Thiết kế được coi là đột phá của iPhone 4

Trước khi đi sâu vào vấn đề, chúng ta cần phải biết một số kiến thức cơ bản về sóng điện thoại:

Sóng điện thoại được phân chia theo độ mạnh yếu thành nhiều dải khác nhau, mỗi nhà sản xuất lại có cách thức hiển thị sóng khác nhau, có thể là 5 thanh hoặc 6 thanh sóng. Nhưng dù có chia thế nào, sóng có độ lớn -51dBm là mạnh nhất, bạn thường chỉ thấy mức độ sóng này khi đứng gần trạm phát sóng. Sóng -113dBm là sóng yếu nhất, sóng này chỉ vừa đủ mạnh để bạn kết nối vào mạng di động. Sóng mạnh hơn -107 dBm(tăng dần về -51 dBm) là điều kiện tối thiểu để bạn thực hiện được các cuộc gọi điện chất lượng cao trong khi sóng yếu hơn con số này (giảm dần về -113 dBm) đồng nghĩa với việc bạn sẽ gặp rắc rối khi nói chuyện.


Cách hiển thị sóng trên iOS4

Sau khi đã hiểu rõ về độ mạnh của sóng điện thoại, chúng ta hãy xem cách mà Apple hiển thị độ mạnh của sóng trên iPhone. Thay vì chia đều độ mạnh yếu thành 5 cột sóng khác nhau, Apple đã ăn gian, tạo cảm giác iPhone 4 bắt sóng mạnh hơn bằng cách gom tất cả sóng từ -51 đến -91 dBm vào 1 thanh sóng thứ 5, tức là cho dù máy đang bắt được -51, -61 hay -91 thì máy đều hiển thị đầy đủ 5 vạch sóng. Như vậy, dải sóng từ -100 đến -113 chiếm đến 4 cột sóng còn lại. Do đó, bạn sẽ thấy sóng của máy hoàn toàn không ổn định, tăng giảm liên tục nếu đứng ở khu vực sóng yếu. Đây cũng chính là nguyên nhân để một thao tác nhỏ như chạm vào vành kim loại bên trái của máy cũng đủ để iPhone 4 tụt từ 4 vạch sóng xuống còn 1.

Dựa vào những lời Apple, chỉ một bản cập nhật đơn giản cũng đủ để sửa lỗi này. Nhưng liệu sự thật có phải thế không? Liệu có phải thiết kế ăng tên của iPhone 4 là chính xác, không hề bị lỗi và ảnh hưởng đến khả năng bắt sóng?

Ông Micheal Anderson, chuyên viên nghiên cứu tại phòng thử nghiệm sản phẩm của Motorola cho biết đây là một lỗi thuộc về nền tảng mà Apple chỉ có thể sửa bằng cách thiết kế lại sản phẩm. Nếu thực hiện phương pháp này, Apple sẽ phải nộp đơn lần nữa để Ủy ban truyền thông liên bang Mỹ (FCC) xác nhận. Phòng thí nghiệm của Anderson chuyên thực hịện các thử nghiệm cho Motorola trước khi trình lên cho FCC và ông cho biết tiến trình phê chuẩn là khá lâu.

Một vị thạc sĩ mạng không dây khác, ông Richrad Gaywood của đại học Cardiff cho biết trong bức thư của mình: việc sửa các thuật toán là một hành động đúng đắn trong việc thay đổi nhận thức của người dùng, nhưng nó sẽ không bao giờ sửa được khả năng bắt sóng yếu kém do thiết kế sai ăng ten của iPhone 4. Và tại sao Apple lại khuyên người dùng sử dụng một lớp vỏ bảo vệ để giải quyết vấn đề này nếu như nó chỉ bị lỗi về phần mềm?

Anandtech đã có 1 thử nghiệm khá thú vị với iPhone 4. Họ thực hiện 6 lần liên tiếp và lấy giá trị trung bình để đảm bảo tính chính xác. Theo đó, họ lần lượt cầm iPhone 4, iPhone 3GS và Nexus One ở 4 tư thế khác nhau để kiểm tra độ mạnh của sóng và so sánh nó với mức độ sóng thu được khi để trên mặt bàn.

Các tư thế cầm:
1)Cupping Tighty là tư thế cầm khó khăn nhất cho điện thoại, người dùng sẽ giữ máy thật chắc, có thể sẽ gây đau tay.
2)Holding Naturally: tư thế cầm của người bình thường, không cố gắng cầm chặt nhưng vẫn đủ mạnh để giữ máy, cầm làm sao cho bạn thoải mái nhất.
3)Để trên lòng bàn tay, không bóp máy lại.
4)Đút máy vào bao bảo vệ và cầm nó thoải mái trên tay.


Kết quả thử nghiệm của Anantech, số càng nhỏ càng tốt vì đây là số dương

Qua bảng trên, bạn có thể thấy sóng của iPhone 4 tụt giảm một cách nặng nề khi cầm nó lên cho dù ở bất cứ tư thế nào, đặc biệt là khi tay bạn chạm vào viền ăng ten của máy (tư thế 1 và 2). Hãy lưu ý bảng trên thể hiện mức độ tụt giảm sóng, số càng thấp thì càng tốt. Không gì có thể phủ nhận khả năng bắt sóng của iPhone 4 bình thường đã tốt hơn 3GS nhưng mức độ sụt giảm tín hiệu khi cầm iPhone 4 trên tay thật đáng “ghê sợ”.

Như vậy, bạn có thể thấy việc Apple thay đổi cách hiển thị của iOS4 hoàn toàn không giúp cho tình trạng bắt sóng của điện thoại tốt hơn. Thay vì tụt giảm đột ngột từ 5 vạch sóng xuống 1 vạch thì bây giờ, bạn sẽ tụt từ 2-3 vạch xuống một vạch. Việc sửa chữa chỉ có thể thực hiện khi Apple thiết kế lại ăng ten, nhưng ngày đó còn xa lắm.

Nguồn: Tổng hợp