Mìn là một loại vũ khí nguy hiểm đe dọa đến mạng sống của binh lính cũng như dân thường. Sau những trận chiến, những bãi mìn vẫn còn nằm lại và tiếp tục gây sát thương với người dân. Những khu vực có mìn bị bỏ lại và trở thành vùng cấm trong suốt nhiều thập kỉ. Đã có rất nhiều phương pháp để phát hiện mìn nhưng hầu hết đều rất nguy hiểm và không đảm bảo 100% độ an toàn. Những giải pháp an toàn hơn thì lại rất đắt đỏ. Vì vậy, các nhà vật lý Hoa Kì đã chế tạo một hệ thống phát hiện mìn từ những thành phần có sẵn với chi phí thấp.


Một quả bom bi còn sót lại sau chiến tranh tại Việt Nam.

Trong một dự án được tài trợ bởi phòng thí nghiệm nghiên cứu quân sự của quân đội Hoa Kì, giáo sư vật lý John Scales cùng cộng sự Martin Smith và các học sinh thuộc viện nghiên cứu bom mìn Colorado đã xây dựng một hệ thống mới sử dụng các cảm biến dựa trên sóng micro để phát hiện từ xa những chấn động trong lòng đất hoặc trong những cấu trúc khác. Việc sử dụng sóng micro cũng mang lại nhiều lợi thế bao gồm cả khả năng "nhìn" xuyên qua các tán lá bởi mìn không chỉ được chôn ngầm mà có thể nằm vương vãi trong các bụi rậm.

Giáo sư Scales cho biết: "Mìn là một vấn đề đáng lo ngại trên toàn thế giới đối với cả binh lính và dân thường. Chúng tôi đã phát triển một kỹ thuật siêu âm, trước tiên là để làm rung mặt đất và sau đó một bộ phát sóng micro sẽ phát hiện những chuyển động của đất cho thấy vị trí của quả mìn. Chúng tôi hy vọng rằng sự kết hợp giữa 2 thành phần này sẽ cho phép nhận biết bom mìn một cách an toàn hơn."

Với rất nhiều những quả mìn chưa nổ và đa phần được đặt ở những nước đang phát triển, giá thành là một yếu tố cốt yếu trong việc xây dựng hệ thống mới. Bằng việc sử dụng những thành phần sẵn có và những nguồn vật liệu từ các trang bán đấu giá trên mạng, nhóm nghiên cứu đã hạ giá thành sản xuất hệ thống xuống dưới 10.000USD. Đây có thể là một mức giá chấp nhận được so với hệ thống phát hiện bằng laser Doppler được bán hơn 1 triệu USD.

Đã có hàng loạt các biện pháp tiếp cận và phát hiện bom mìn từ phương pháp sử dụng chó hay chuột được huấn luyện để đánh mùi chất hóa học trong chất nổ cho đến những loại cây cảm thụ sinh học có thể thay đổi màu sắc khi phản ứng với môi trường đất trồng bị thay đổi bởi mìn. Tuy nhiên, giáo sư Scales cho rằng vẫn không có biện pháp nào hoạt động hiệu quả tính đến thời điểm này.

Theo thống kê năm 2008 của chương trình xã hội Landmine Monitor, hơn 75 quốc gia và vũng lãnh thổ trên thế giới đang bị tác động bởi mìn và ít nhất 5.197 trường hợp thương vong do mìn, chất nổ còn lại sau chiến tranh gây ra. Vì vậy, nhu cầu về một hệ thống như trên là vô cùng cần thiết.

Nhóm nghiên cứu cho biết bên cạnh phát hiện bom mìn, hệ thống cảm biến rung động từ xa cũng có nhiều ứng dụng khác như theo dõi cấu trúc của các tòa nhà, cầu cống và các con đập để bảo trì kịp thời.

Nguồn: Gizmag